Mới đây, Chính Phủ đã cho ban hành Nghị định số 125/2020/NĐ-CP. Trong Nghị định này, Chính phủ đã quy định rất rõ cách xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) về thuế đối với ngân hàng thương mại, tổ chức và cá nhân có liên quan.
1. Vi phạm hành chính về thuế là gì?
Vi phạm hành chính về thuế được hiểu là hành vi có lỗi do các tổ chức, cá nhân thực hiện dẫn tới vi phạm quy định của pháp luật về quản lý thuế, pháp luật về thuế và các khoản thu khác nhưng không phải là tội phạm.
Các khoản thu các có thể là tiền sử dụng đất; tiền thuê đất, thuê mặt nước; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên,…
Căn cứ theo quy định pháp luật thì các hành vi vi phạm hành chính về thuế sẽ phải bị xử phạt. Với các mức vi phạm khác nhau sẽ chịu mức xử phạt không giống nhau.
2. Các hình thức xử phạt hành chính về thuế cơ bản hiện nay
Các hình thức xử phạt VPHC về thuế.
Căn cứ vào Nghị định 125/2020/NĐ-CP mới ban hành gần đây nhất, Chính Phủ đã quy định các vi phạm hành chính, tùy mức độ, có thể phải chịu xử phạt theo các hình thức sau:
2.1. Hình thức xử phạt chính
Với hình thức phạt cảnh cáo, người vi phạm có thể bị xử phạt theo 02 mức:
– Phạt cảnh cáo. Mức phạt này áp dụng với các hành vi vi phạm thủ tục thuế, hóa đơn không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và thuộc trường hợp áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo theo quy định tại Nghị định này.
– Phạt tiền. Mức phạt này được áp dụng cụ thể như sau:
+ Phạt không quá 100.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn
+ Phạt không quá 50.000.000 đồng đối với các cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn.
+ Phạt không quá 200.000.000 đồng đối với người nộp thuế là tổ chức thực hiện hành vi vi phạm thủ tục thuế.
+ Phạt không quá 100.000.000 đồng đối với người nộp thuế là cá nhân thực hiện hành vi vi phạm thủ tục thuế.
+ Phạt 20% số tiền thuế thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn.
+ Phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi trốn thuế.
+ Phạt tiền tương ứng với số tiền không trích vào tài khoản của ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm theo quy định tại Khoản 1, Điều 18 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP này.
>> Có thể bạn quan tâm: Hóa đơn điện tử.
2.2. Hình thức xử phạt bổ sung
Đây là hình thức phạt đình chỉ hoạt động in hóa đơn có thời hạn với các đơn vị kinh doanh, NNT vi phạm hành chính về thuế.
2.3. Biện pháp khắc phục hậu quả
Bên cạnh việc chịu xử phạt hành chính, theo quy định thì nhiều trường hợp sẽ phải tiến hành cả các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Khoản 3, Điều 7, Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Về nguyên tắc áp dụng mức phạt tiền, bạn và DN có thể tham khảo tại Khoản 4, Điều 7, Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
3. Mức xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với ngân hàng thương mại, người bảo lãnh nộp tiền thuế
Mức xử phạt vi phạm hành chính về thuế thế nào?
Căn cứ vào Điều 18, Nghị định 125/2020/NĐ-CP, các trường hợp ngân hàng thương mại, người bảo lãnh nộp tiền thuế có vi phạm hành chính về thuế thì mức xử phạt như sau:
– Phạt tiền tương ứng với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không trích chuyển vào tài khoản của ngân sách nhà nước (đã trừ số dư tối thiểu trên tài khoản thanh toán theo quy định của ngân hàng thương mại cung ứng dịch vụ thanh toán cho NNT) đối với các ngân hàng thương mại không thực hiện đúng trách nhiệm trích chuyển tiền từ tài khoản của NNT vào tài khoản của ngân sách nhà nước theo yêu cầu của cơ quan thuế. Mức phạt này không áp dụng với trường hợp các tài khoản của người nộp thuế tại ngân hàng thương mại đó không còn số dư hoặc đã trích chuyển toàn bộ số dư tài khoản của NNT vào tài khoản của ngân sách nhà nước nhưng vẫn không đủ số tiền mà người nộp thuế phải nộp.
– Người bảo lãnh phải nộp thay tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt hay tiền chậm nộp tiền phạt (nếu có) cho NNT theo đúng nội dung cam kết tại văn bản bảo lãnh trong trường hợp NNT không nộp vào ngân sách nhà nước.
Đối với các trường hợp đã quá thời hạn bảo lãnh nhưng NNT chưa nộp hoặc chưa nộp đủ tiền thuế nợ, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt hay tiền chậm nộp tiền phạt mà người bảo lãnh chưa thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì người bảo lãnh bị tính tiền chậm nộp do chậm nộp tiền thuế, tiền phạt và bị cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
>> Tham khảo: Khấu trừ thuế với hóa đơn đầu ra trên 20 triệu.
4. Mức xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với tổ chức, cá nhân liên quan
Căn cứ vào Điều 19 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, các trường hợp tổ chức, các cá nhân liên quan nếu có vi phạm hành chính về thuế thì sẽ bị xử phạt như sau:
4.1. Phạt tiền từ 2 – 6 triệu đồng
Mức phạt này áp dụng đối với các hành vi cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế, tài khoản của người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế quá thời hạn từ 05 ngày trở lên.
4.2. Phạt tiền từ 6 – 16 triệu đồng
Mức phạt này được áp dụng đối với một trong các hành vi sau:
– Hành vi thông đồng, bao che người nộp thuế trốn thuế, không thực hiện quyết định cưỡng chế hành chính thuế. Ngoại trừ hành vi không trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế.
– Hành vi không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin liên quan đến tài sản, quyền, nghĩa vụ về tài sản của người nộp thuế do mình nắm giữ; tài khoản của người nộp thuế tại tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước.
Lưu ý rằng:
– Hai mức phạt trên chỉ áp dụng đối với các tổ chức. Còn các cá nhân sẽ áp dụng mức phạt theo nguyên tắc quy định tại khoản 5, Điều 4 của Nghị định này.
– Các hành vi không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin liên quan đến tài sản, quyền, nghĩa vụ về tài sản của người nộp thuế do mình nắm giữ; tài khoản của người nộp thuế tại tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước bắt buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Cung cấp thông tin chính xác cho cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, bài viết trên đây đã cập nhật tới bạn và DN quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với ngân hàng thương mại, tổ chức và cá nhân có liên quan theo Nghị định 125/2020/NĐ-CP mới ban hành gần đây nhất.
Mọi thắc mắc hay muốn được tư vấn muốn được tư vấn về phần mềm hóa đơn điện tử E-invoice hoàn toàn miễn phí, Quý doanh nghiệp vui lòng liên hệ:
CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN
- Địa chỉ: Số 15 Đặng Thùy Trâm – Cầu Giấy – Hà Nội
- Tổng đài HTKH: 1900 4767 – 1900 4768
- Tel : 024.37545222
- Fax: 024.37545223
- Website: https://einvoice.vn/